Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Lãnh địa Đức Bà Đà Lạt

Vị trí: Lãnh địa Đức Bà nằm trên một ngọn đồi thoáng đẹp thuộc đường Ngô Quyền, cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 1km về hướng tây nam.
Đặc điểm: Lãnh địa mang một kiến trúc độc đáo theo phong cách Châu Âu thế kỷ 17 nhưng đã được thực hiện với vật liệu hoàn toàn của Việt Nam.

Domaine de Marie hay Lãnh địa Đức Bà được xây dựng từ năm 1930-1943 là tên gọi cụm kiến trúc gồm nhà nguyện và hai dãy nhà phía sau của tu viện nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn (Filles de la charité de saint Vincent de Paule). Ngôi nhà nguyện mới được quét lại màu sơn vàng với mái ngói đỏ nổi bật giữa bầu trời xanh và cây lá cũng rất xanh.Trong nhà thờ, đặc biệt có bức tượng Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu được tạc theo hình mẫu người phụ nữ Việt Nam, do Janchère - kiến trúc sư người Pháp - thiết kế. Tượng cao 3m, nặng 1 tấn được làm năm 1943 và do bà Decoux dâng cúng. Phía sau nhà thờ có phần mộ phu nhân toàn quyền Decoux - bà Suzanne Humbert - ân nhân chính đã giúp xây dựng tu viện và có nguyện vọng được an nghỉ tại đây sau khi qua đời. Bà bị tai nạn giao thông tại đèo Prenn và mất ngày 06/01/1944. 

Trước năm 1975, nơi đây là tu viện chính với hơn 50 nữ tu đa số là người Việt trụ trì và làm công tác xã hội như: mở cô nhi viện, nhà trẻ. Các nữ tu cũng điều hành một trường huấn luyện thể thao và một trường tiểu học dạy chương trình Pháp. Hiện nay ngoài nhà nguyện và hai dãy tu viện, các cơ sở khác đã được sử dụng cho công ích. Tuy dòng chính đã chuyển về thành phố Hồ Chí Minh, nhưng để thực hiện tôn chỉ của dòng là phục vụ người nghèo, các nữ tu vẫn đang có mặt trong nhiều môi trường xã hội như: duy trì một trường mẫu giáo bán công thu nhận khoảng 200 cháu, chăm sóc trẻ em chậm phát triển, giúp đỡ các cô nhi, chữa trị bệnh cho người nghèo, phục vụ bệnh nhân phong tại trại phong Di Linh, mở những lớp dạy nghề miễn phí cho người lao động gồm các môn: đan, móc, thêu, may. Trong âm thầm, tất cả như muốn nói “chỉ với lòng nhân ái chia sẻ, con người mới thật sự là đồng loại của nhau...” và đó cũng chính là tinh thần “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” như lời kêu gọi của hội đồng Giám mục Việt Nam gởi cộng đồng dân Thiên chúa năm 1980.
Từ sau năm 1975, tên Domaine được Việt hóa thành Đồi Mai Anh. Du khách đến đây nếu vào tham quan vườn hoa phía sau sẽ có dịp chiêm ngắm dàn Hài Tiên khá hiếm nở hoa thật đẹp.

Hồ Tuyền Lâm

Vị trí: Hồ Tuyền Lâm nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km về hướng nam.
Đặc điểm: Hồ Tuyền Lâm rộng hơn 360ha, là địa điểm thích hợp cho các hoạt động thể thao, leo núi, chèo thuyền, câu cá.

Từ một thung lũng hoang vu ở độ cao hơn 1.000m so với mặt biển, hồ Tuyền Lâm đã được cải tạo thành điểm nghỉ mát lý tưởng của vùng cao. Hồ nằm cách Ðà Lạt 5km, gọn gàng giữa rừng thông mênh mông và dòng suối tía huyền thoại. Mùa khô ở vùng này kéo dài 6 tháng, không một hạt mưa, nhưng lòng hồ vẫn đầy ắp nước. Mặt hồ quanh năm xanh biếc, hiếm khi có sóng lớn. Rừng thông ba lá phủ kín những ngọn núi, quả đồi quanh đó, trải ngút ngàn tầm mắt. Tất cả cùng hòa quyện, vẽ nên bức tranh thiên nhiên yên tĩnh, thanh bình và thơ mộng lạ kỳ. Ai đến thăm Ðà Lạt cũng ghé Thiền viện Trúc Lâm để từ trên đỉnh núi Phượng Hoàng phóng tầm mắt về phía đông nam, chiêm ngưỡng thắng cảnh nổi tiếng được tạo bởi bàn tay con người này.

Có người dành cả ngày để du ngoạn trên hồ, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và sự tĩnh lặng quý báu. Trên bờ, khách có thể tìm hiểu những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số nam Tây Nguyên với thịt nướng, cơm lam, rượu cần, đốt lửa trại; tham gia lễ hội cồng chiêng; ngắm nhìn những tác phẩm điêu hkhắc gỗ; thư giãn trên những ngôi nhà sàn, nhà dài lộng gió; bắn cung và thám hiểm rừng sâu.
Cùng với trò chơi hóa trang thành các chàng trai, cô gái miền sơn cước, du khách thường rất hứng thú với các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như bóng đá một gôn, bóng chuyền trên cát, nhà dù, câu cá, cưỡi voi, cưỡi ngựa. Hiện có 5 con voi đã thuần dưỡng đang sống tại khu du lịch Tuyền Lâm và khu dã ngoại Ðá Tiên. Nhiều loại thú hoang mất dấu nhiều năm nay đã quay về như khỉ, sư tử mặt đỏ cùng nhiều động vật khác sống thành đàn.

Để tới Hồ Tuyền Lâm, ta theo quốc lộ 20, lên đèo Prenn, qua khỏi thác Ðatanla rẽ về phía trái chừng hơn 1km, băng qua những rừng thông ngút ngàn, du khách sẽ bắt gặp Hồ Tuyền lâm xanh biếc và đầy vẻ quyến rũ.

Với diện tích mặt nước khoảng 350ha, hồ Tuyền Lâm được tạo thành bởi dòng suối Tía.
Tên hồ không biết có tự bao giờ và do ai đặt, nhưng có lẽ cũng do xuất phát từ khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ ở đây mà tên gọi ấy đã sống mãi. Ðó là nơi gặp gỡ giữa sông, suối và cây rừng.

Buổi sớm, hồ nước phủ đầy sương trắng và yên tĩnh đến lạ kỳ, chỉ có tiếng chim quyện thành vòng, thành chuỗi để rồi tan xuống mặt hồ phẳng lặng. Buổi trưa bầu trời sáng láng, mặt hồ xanh biếc như biển khơi, lấp lánh ánh thủy tinh. Ðến chiều thì mềm ra trong ánh sáng mát lạnh và mặt hồ dần dần chuyển sang màu xanh thẫm. Nếu ngồi ở hồ Tuyền Lâm câu cá, làm thơ, hoặc đi dạo với người yêu vào những thời điểm như vậy, mới cảm nhận được hết vẻ kỳ ảo, thơ mộng và huyền diệu của cảnh sơn thủy hữu tình mà tạo hóa đã ban cho đất trời Ðà Lạt.

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Biệt điện Trần Lệ Xuân

Biệt điện Trần Lệ Xuân xa hoa lộng lẫy trước đây, nay là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ) ở số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt, Lâm Đồng được trùng tu, phục chế nguyên vẹn, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng của sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa và du lịch.

Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, năm 1960, Mộc bản được chuyển từ Huế về Đà Lạt do chi nhánh Văn khố Đà Lạt quản lý. Mộc bản là những bản in chữ Hán khắc vào gỗ, kích thước trung bình 0,43m x 0,27m, dày từ 2 - 4 cm, mỗi tấm nặng chừng 300 - 400g.

Ngày nay, sau khi Mộc bản triều Nguyễn và các tài liệu lưu trữ được di chuyển từ Huế về Đà Lạt, Sài Gòn thì được sắp xếp theo trình tự gồm 9 vấn đề chính: Lịch sử, Địa lý, Chính trị - Xã hội, Quân sự, Pháp chế, Văn hóa - Giáo dục, Tôn giáo - Tư tưởng - Triết học, Ngôn ngữ văn tự, Văn thơ, Tồn nghi và được lưu giữ trong kho chuyên dụng bảo mật. Các cơ quan chức năng và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Mộc bản triều Nguyễn là di sản văn hóa thế giới.

Dưới chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, biệt điện Trần Lệ Xuân là biểu tượng của vẻ đẹp xa hoa, lộng lẫy cùng danh tiếng và quyền uy của chủ nhân. Đến nay, tại số 2 Yết Kiêu - Đà Lạt, khu biệt điện này đã được giữ gìn và phục chế lại gần như nguyên vẹn, tọa lạc trên đồi thông thơ mộng với diện tích khoảng 13.000m2 với ba ngôi biệt thự, một hồ bơi, một vườn hoa được thiết kế theo kiểu Nhật Bản, cùng nhiều hạng mục lý thú khác. Có thể nói đây là khu nghỉ dưỡng xa xỉ vào bậc nhất trong giai đoạn đầu chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1954 - 1963). Giới nghiên cứu đánh giá khu biệt điện này là một quần thể kiến trúc mang phong thái quý tộc với nhiều tên gọi hoa mỹ thể hiện quyền uy của chủ nhân nó.

Khu biệt điện gồm có 3 biệt thự là Hồng Ngọc, Bạch Ngọc và Lam Ngọc. Bạch Ngọc là nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và tướng tá Sài Gòn. Lam Ngọc được sử dụng làm nơi nghỉ cuối tuần của gia đình bà “cố vấn”. Còn Hồng Ngọc là tòa biệt thự mà bà Nhu xây tặng riêng cho bố đẻ của mình là Trần Văn Chương lúc này đang là Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ.

Biệt thự Bạch Ngọc và hồ bơi nước nóng, nơi giải trí của gia đình Lệ Xuân và các tướng tá quân đội chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam trước đây. Ngày nay, đến đây du khách có thể thỏa chí vẫy vùng trong làn nước trong mát của hồ bơi, ngồi thưởng trà, uống rượu, ngắm trăng, đón gió tại vọng lâu… Biệt thự Lam Ngọc là nơi nghỉ cuối tuần của gia đình Lệ Xuân, được trang bị hiện đại bậc nhất thời đó, có phòng làm việc, hội họp, phòng khiêu vũ, phòng trang điểm xa hoa của Lệ Xuân.

Chẳng ai biết Trần Lệ Xuân đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, nhưng vẻ kiêu sa, lộng lẫy của công trình này thì vẫn hiện diện cho tới ngày nay.

Khuôn viên của tòa biệt điện nằm trên diện tích 13.000m2 với đầy đủ phòng làm việc, hội họp, phòng khiêu vũ, phòng chiêu đãi… Ngoài sân có hồ bơi nước nóng, có vọng đài và một hoa viên cực đẹp do các kỹ sư đến từ đất nước Phù Tang thiết kế, vì vậy, nó còn được gọi tên là vườn hoa Nhật Bản. Phía sau vườn hoa này có một hồ sen, khi bơm đầy nước thì từ mặt hồ sẽ hiện rõ hình địa đồ Việt Nam - thể hiện giấc mơ “lấp sông Bến Hải” của ông bà “cố vấn”.

Đặc biệt, để đề phòng bị tấn công bất ngờ, trong biệt thự Lam Ngọc còn có một căn hầm trú ẩn được thi công bằng loại thép đặc biệt, có thể chống đỡ sức công phá của hỏa lực hạng nặng. Trong căn hầm này có một đường hầm thoát hiểm, cho đến nay, người ta vẫn chỉ phỏng đoán là nó dẫn ra phía sân bay Cam Ly, cách nơi này chừng 2km…

Mộc bản triều Nguyễn chính là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán và chữ Nôm (chữ khắc ngược) dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân y tuân. Đó cũng là những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiễu trừ giặc dã…

Kho tàng mộc bản triều Nguyễn hiện được bảo quản nghiêm ngặt và khoa học tại thành phố Đà Lạt là một dạng lưu trữ đặc biệt của Việt Nam và rất hiếm có trên thế giới. Đây thực sự là những tài sản vô giá. Các cơ quan hữu trách đang lập hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thời gian gần đây, dư luận đã bắt đầu quan tâm đến kho tàng này và nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã đăng ký được tham quan, tìm hiểu.

Hồ Than Thở


Vị trí: Hồ Than Thở nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km về phía đông, theo trục đường Quang Trung - Hồ Xuân Hương.

Đặc điểm: Đến thăm nơi đây, du khách sẽ được nghe kể về những chuyện tình cảm động đã mượn nước hồ để giữ mãi mối tình chung thủy.


Từ lâu, tên hồ Than Thở đã trở nên nổi tiếng với 2 câu thơ:

“Đà Lạt có thác Cam Ly
Có hồ Than Thở người đi sao đành”

Sở dĩ nổi tiếng là vì hồ nằm gần trường Võ bị quốc gia Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân) và gắn liền với một thời hoàng kim của trường vào thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Cứ ngày nghỉ, lễ, chủ nhật là gia đình của các học viên và người yêu kéo đến gặp nhau vui chơi ở đây. Và cho đến nay vẫn còn câu chuyện Thảo - Tâm cùng ngôi mộ của người con gái xấu số tên Thảo lạnh lẽo ở Đồi thông 2 mộ (từ ngoài vào phía tay trái khu du lịch).

Hồ Than Thở nằm trên đồi cao giữa một rừng thông tĩnh mịch. Cảnh vật quanh hồ nên thơ, mặt nước hồ luôn phẳng lặng trầm ngâm. Con đường đất ven hồ như mất hút xa xa. Tại đây dường như chỉ còn nghe vi vút tiếng gió nhẹ, tiếng thông reo như thở than, như nức nở. Có một đôi cây thông yêu nhau rất lạ ở phía bắc của hồ tạo thành một đôi “tình nhân” thông quấn quýt bên nhau không rời và du khách có thể đến đó chụp hình lưu niệm. Đồi thông ở hồ Than Thở dường như cũng đẹp hơn các nơi khác vì thông thưa hơn, cao đều hơn nên khi ánh nắng mặt trời rọi xuống ngả bóng trên thảm cỏ rất đẹp.

Xa xưa nữa, nơi đây gắn với câu chuyện tình của Hoàng Tùng và Mai Nương. Chuyện xảy ra vào thế kỷ 18, khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ dấy binh đánh đuổi bọn xâm lược nhà Thanh, trai tráng khắp nơi hưởng ứng, trong đó có Hoàng Tùng. Trước khi chia tay, hai người rủ nhau ra bên bờ than thở hẹn thề. Chàng hẹn đến mùa xuân - khi Mai anh đào nở sẽ đem tin thắng trận trở về. Ở nhà, Mai Nương được tin Hoàng Tùng tử trận nên nàng đã quyết định gieo mình bên dòng suối tự trầm. Nhưng trớ trêu thay, đến giữa mùa xuân Hoàng Tùng thắng trận trở về, chàng vô cùng đau buồn khi biết người yêu đã chết. Mấy năm sau triều đại Tây Sơn sụp đổ, Gia Long trả thù những người có công với triều Tây Sơn nên Hoàng Tùng đã tự vẫn bên hồ để được hạnh phúc với người yêu nơi chín suối. Từ đó hồ có tên là Than Thở cho đến ngày nay.

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Thác Dambri

 Vị trí: Thác Đambri nằm cách trung tâm thị xã Bảo Lộc khoảng 18km.
Đặc điểm: Đây là ngọn thác lớn ở Lâm Đồng, nằm giữa khung cảnh rừng nguyên sinh hoang sơ và hùng vĩ.

Du lịch Đà Lạt - Từ thị xã Bảo Lộc - Lâm Đồng qua những đồi chè, cà phê, cây ăn trái xanh ngát, du khách sẽ đến với khu du lịch sinh thái Đambri để được thưởng thức cảnh đẹp hùng vĩ cùng khí hậu trong mát của rừng nguyên sinh nam Tây Nguyên. Thác Đambri có độ cao khoảng 60m. Mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về ầm ầm, đi xa vài kilômét còn nghe thấy tiếng. Xung quanh thác là một khu rừng hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ chưa mấy người khám phá với diện tích gần 300ha cùng đủ loài chim. Nhiều cây cổ  thụ quý hiếm như sao, kền kền, dổi... gốc to tầm vài ba vòng tay người ôm cũng có mặt ở đây. Đường vào trung tâm khu du lịch có một cầu ximăng dài hơn 20m bắc ngang suối, gần đỉnh thác. Đứng trên cầu, khách du lịch có thể thưởng thức cảnh tượng hùng vĩ của dòng nước cuồn cuộn đổ từ đỉnh thác xuống. Khách muốn xuống chân thác có thể đi bằng hai đường: thang máy hoặc đường bộ. Nhưng hầu hết du khách đều chọn đường bộ men theo sườn núi, đã được bêtông hoá nên đi lại thuận tiện để được thưởng ngoạn phong cảnh.Theo lối mòn ven suối đi về phía thượng lưu, muốn sang bờ bên kia khách sẽ được một lần thử độ khéo léo và lòng dũng cảm khi chênh vênh đi trên chiếc cầu dây theo kiểu của đồng bào dân tộc ở địa phương vẫn làm. Cầu được bện từ những thứ dây leo rất sẵn ở rừng như song, mây, giang, lồ ô... Vào buôn của người dân tộc Châu Mạ - một trong những làng văn hoá dân tộc ở Tây Nguyên, khách sẽ được thưởng thức những lễ hội cồng chiêng, khám phá tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống và cũng có thể tự mang lều trại để tổ chức sinh hoạt dã ngoại. Thật rất nhiều điều thú vị.

Để những chuyến tham quan của du khách thêm sinh động, Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đambri còn khoanh một khu vực nuôi các loài thú. Đảo khỉ tại đây có hàng trăm con, hươu nai được nuôi thả tự do khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng và thích thú khi bắt gặp. Cũng có cả những khu nuôi gấu, ba ba, rùa. Đặc biệt, có những chú voi đã được thuần dưỡng và ngoan ngoãn tuân theo sự chỉ dẫn của quản tượng. Du khách có thể ngồi trên lưng voi để chụp ảnh lưu niệm. Đi một vòng quanh khu du lịch rộng lớn, du khách có thể nghỉ chân bên hồ nước Đambri rộng hàng nghìn mét vuông, thuê một chiếc thuyền để hưởng thú câu cá trên hồ.

Thác Pongour Đà Lạt

Thác Pongour là một ngọn thác nổi tiếng đẹp mơ màng, hùng vĩ, hoang dã nhất của Nam Tây Nguyên. Do đó, nếu đến Đà Lạt khách không thể quên được thác Pongour.

Thác Pongour thuộc huyện Đức Trọng, cách huyện lỵ 20km và xa trung tâm thành phố Đà Lạt 50 km. Trên quốc lộ 20 Đà Lạt - Sài Gòn, đến xóm Trung (phía núi Chai) rẽ về phía tay phải đi một quãng đường đất dài độ 8 km du khách sẽ đến được thác Pongour mà người dân địa phương gọi là thác Bảy Tầng hay là thác Thiên Thai. Về tên gọi Pongour có hai giả thuyết như sau:

Thứ nhất, Pongour là do tên người Pháp phiên âm từ tiếng dân tộc bản địa (K'ho: Pon - gou (với nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng). Qua một số tài liệu địa chất học của người Pháp, vùng này có nhiều kaolin. Như vậy, Pongour có nghĩa là ông chủ hay ông vua xứ Kaolin.

Du lịch Đà Lạt - Giả thuyết thứ hai hiện nay khá phổ biến, được nhiều người nhắc đến: Pongour xuất phát từ ngôn ngữ K'ho có nghĩa là bốn sừng tê giác (Pon: bốn, gou: sừng). Giả thuyết này lấy từ môt truyện cổ trong kho tàng truyện cổ K'ho - Chàm, Churu. Nội dung truyện cổ ấy như sau:
Ngày xưa vùng đất Phú Hội - Tân Hội - Tân Hà ngày nay do nàng Ka Nai làm chủ. Ka Nai là một tù trưởng nữ xinh đẹp, trẻ, có sức mạnh hơn cả thanh niên dũng sĩ K'ho - Churu. Nàng lại có tài chinh phục thú rừng, đặc biệt là loại Tây u (tê giác) (Rơmis). Do đó, trong bộ lạc của nàng có đến bốn con tê giác khác thường. Ka Nai thường dùng bốn con tê giác ấy để khai phá núi rừng đồi suối và đánh giặc bảo vệ buôn làng. Thuở ấy, giặc Prenn (người Chàm) ở Panduranga (Ninh Thuận ngày nay) thường lên quấy phá, bắt bớ dân địa phương về vương quốc Chăm để làm phu, làm xâu (một hình thức nô lệ), hoăc đi lính chống lại người Yuan (Kinh).

Một lần, dân tộc của bộ tộc Ka Nai bị lính Prenn bắt đi khá nhiều. Căm giận trước cảnh ấy, Ka Nai đã kêu gọi các bộ tộc Tây Nguyên như Sré, Mạ, Nộp... nổi dậy chống người Prenn. Nàng đã tự mình cưỡi tê giác cùng với đoàn quân Tây Nguyên xuống đánh phá vương quốc Panduranga để báo thù. Ka Nai đã chiếm được bốn thành của người Prenn, cứu được hàng trăm dân K'ho bị người Prenn bắt làm nô lệ trước đây. Nhưng qua chiến thắng này, Ka Nai thấm thía nỗi nhân tình thế thái: một số người K'ho Mạ đã theo giặc Prenn, chịu làm xâu, tớ cho người Prenn chứ không chịu về Tây Nguyên - quê hương cũ, mặc dù nhiều người K'ho Mạ ấy đã có gia đình tại quê nhà.

Đau buồn và tức giận trước nghịch cảnh ấy, Ka Nai quyết trừng trị những ai bội nghĩa quên tình. Và, sau đó nàng phải xây dựng lại cuộc sống cho buôn của nàng. Ka Nai cùng bốn con tê giác ngày đêm ủi núi san đồi để tạo dựng một "vương quốc thủy chung" cho người K'ho của nàng. Pongour là dấu vết bốn con tê giác cắm xuống núi rừng Tây Nguyên để mở ra một kỷ nguyên văn hóa cho các dân tộc tại đây.

Thác Pongour có lịch sử từ nhiều người, nhiều giai đoạn và ngày nay có ngày kỷ niệm. Đó là dịp trăng tròn đầu tiên của mùa ấm áp, núi rừng khởi sắc để làm ngày "kỷ niệm" cho bộ tộc của nàng. Trong những năm 60 của thế kỷ này, nhiều người Hoa ở Tùng Nghĩa (Đức Trọng) nhân tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) thường tổ chức các cuộc viếng chùa miếu, lăng tẩm, các thắng cảnh, các di tích lịch sử kết hợp với phong tục của dân bản địa (K'ho, Churu) và người các dân tộc di cư 1954 (Thái, Thổ, Tày, Nùng...) cùng đặt ra lễ thác Pongour (thường gọi là thác Thiên Thai). Vào rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm từng đoàn người từ các thị trấn Liên Nghĩa, Cao Bắc Lạng, Lục Nam... của Đức Trọng và các vùng Brơtel, Phú Mỹ, Lạc Sơn, Bằng Tiên, Ngọc Sơn, Đinh Văn... của Lâm Hà nườm nượp trẩy hội thác Pongour.

Trong dịp này, nam thanh nữ tú Bắc Nam, Kinh-Thượng, Hoa-Việt, Thái-Tày... đều rộn rã du xuân, hồ hởi vượt qua bảy tầng thác Pongour, mong vào được chốn Thiên Thai. Đây là dịp mà người ta không còn phân biệt Kinh-Thượng. Họ tự trao đổi tâm tình, tìm hiểu và yêu mến nhau. Tục truyền rằng: những ai không thành thật, không chung thủy, những kẻ bất tín, bội thề đã đến thác Pongour, thì ít khi được trở về; nàng Ka Nai nổi giận, do đó sai Yàng Pongour giữ lại những ai thuộc diện người nói trên tại dòng thác Pongour để nàng dạy cho họ những bài học về con người ... Có người không dám đến Pongour là vì thế. Nhưng đến Đà Lạt mà không đến thăm Pongour thì cũng như chưa đến Đà Lạt, chưa thấy được vẻ mơ màng hoang dã của Nam Tây Nguyên. Và những ai trong sáng thì có ngại gì. Những năm gần đây du khách đến trẩy hội Pongour ngày càng nhiều và thật vui mừng là hàng ngàn du khách lên Đà Lạt đến thăm Pongour đều bình an trở về. Phải chăng Yàng Pongour đã thẩm định đích xác lòng người?

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Nhà thờ Cam Ly

Vị trí: Nhà thờ Cam Ly nằm trên một quả đồi rất gần thác Cam Ly, thuộc thành phố Đà Lạt.

Đặc điểm: Nhà thờ Cam Ly có một kiến trúc độc đáo theo lối nhà rông của đồng bào Tây Nguyên.
 
Trong số gần 100 công trình kiến trúc công giáo xuất hiện ở Ðà Lạt từ thập niên 1920 đến thập niên 1960, nhà thờ Cam Ly được xây dựng riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vì thế nó mang một sắc thái độc đáo khác hẳn với các giáo đường dành cho người Kinh. Những người tạo tác nên ngôi nhà thờ đã thể hiện sự "hội nhập văn hóa" qua nghệ thuật kiến trúc khi cho gương mặt chúa trời hòa nhập với gương mặt của Yàng (trời) mà những người dân nơi đây đã nghìn năm sùng bái.

Khai sinh ra ý tưởng về ngôi nhà chung của Chúa và Yàng là linh mục người pháp Boutary và người thể hiện thành công ý tưởng này là nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ. Công trình được khởi công vào cuối năm 1959 và hoàn thành tám năm sau đó. Nhìn ngang, hai mái giáo đường giống như lưỡi rìu, dốc đứng 17m, được lợp bằng 80.000 viên ngói với tổng trọng lượng tương đương 90 tấn. Ðể chịu đựng được sức nặng của ngôi nhà với cột, kèo, giằng bằng bê-tông, sắt và gỗ, móng của công trình đã được gia cố hết sức kỹ lưỡng. Riêng phần móng nhà thầu đã phải cật lực làm trong vòng nửa năm.Trước cổng chính nhà thờ là hai hình tượng hổ và phượng hoàng - những loài vật quen thuộc trong hiện thực và trong ý thức của đồng bào thiểu số. Hổ tượng trưng cho sức mạnh và phượng hoàng thể hiện cho sự tinh khôn. Mặt khác, các nhà tạo tác cũng ngầm ví von các cư dân Thượng có bản tính vốn như chúa sơn lâm nhưng đã trở nên tốt lành, thanh dịu như chim phượng nhờ các tín điều tôn giáo. Cùng tư duy đó, nội thất thánh đường còn xuất hiện nhiều hình ảnh các loài vật khác thể hiện bản tính của chúng như: sự trong sáng của nai, sự gần gũi của chim và cá... Ðặc biệt dưới chân thánh giá, bên cạnh cung thánh bằng gỗ thông có treo ba đầu trâu theo thứ tự cao thấp. Trâu là linh vật mà người thiểu số ở Tây Nguyên thường dùng làm vật phẩm để "giao tiếp" với Yàng của họ, trong trường hợp này là kính dâng Thiên Chúa như một thông điệp biểu lộ lòng sùng kính.

Sau ba khung cửa lớn là nội thất giáo đường với diện tích gần 400m², một không gian vừa u huyền, thâm nghiêm vừa khoáng đạt, phóng túng. Cảm giác đó có được là do hiệu quả các giải pháp kiến trúc. Nối với những bức tường lửng có độ cao khoảng 3m được xây bằng đá chẻ là hệ thống cửa kính mầu xanh-nâu-vàng trong các khung gỗ. Các khung cửa liền nhau và giáp mái này cùng với 20 vì kèo tương ứng đều được cách điệu từ hoa văn Tây Nguyên mà chủ đạo là hình vuông và hình tam giác - tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời trong môtip bản địa về quan niệm vũ trụ. Ðối xứng phải trái là 16 bức tranh đá trong đó có 14 bức diễn tả các chặng thương khó của Chúa Jesus và ngày ngài thọ nạn, phục sinh...Ở đây, cùng với nghệ thuật sắp đặt và giải pháp kiến trúc, các nhà tạo tác đã kết hợp hài hòa và thành công giữa tư duy mộc mạc, tự nhiên của đồng bào các dân tộc thiểu số với triết lý tôn giáo nhân bản và sâu sắc.