Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đà Lạt- Thành phố hoa Mai Anh Đào

Theo các nhà chuyên môn, Đà Lạt hiện có nhiều giống Mai Anh đào; trong đó, đặc trưng nhất vẫn là Mai Anh đào Đà Lạt. Mai Anh đào Đà Lạt (Prunus Cesacoides) có thân thuộc giống đào mận (chi Prunus) nhưng hoa thì lại thuộc hoa đơn năm cánh giống hoa mai (thuộc chi Cerasus). Có lẽ vì điều đó nên loài hoa “vừa đào lại vừa mai” này của xứ hoa Đà Lạt được gọi tên một cách chính xác là “Mai Anh đào Đà Lạt”.

Nhiều nhà khoa học từ trước đến nay trong các nghiên cứu của mình vẫn nghiêng về xu hướng khẳng định Mai Anh đào Đà Lạt là loài cây bản địa; hơn thế, nó còn là loài cây bản địa của riêng Đà Lạt (ngược lại với xu hướng cho rằng Mai Anh đào Đà Lạt là loài cây di thực từ nước ngoài về).

Trong nghiên cứu của ông Nguyễn Thái Hai, một Việt kiều gốc người Đà Lạt, cho biết: Bố của ông (ông Nguyễn Thái Hiến), là người gốc Nghệ An, chuyển vào sống ở Đà Lạt năm 1927. Ông Nguyễn Thái Hiến từng là Giám thị lục lộ, và là người được chính quyền cũ giao nhiệm vụ trồng cây cảnh trong các khuôn viên, dinh thự… Trong khi làm nhiệm vụ trồng hoa, ông Hiến đ&˜ phát hiện tại một khu rừng gần ấp Tân Lạc có những cây hoa vừa giống hoa mai và vừa giống hoa đào nên đã đề nghị với chính quyền cho phép ông mang giống hoa này về trồng dọc theo các đường phố trung tâm.

Nếu may măn thăm Đà Lạt vào dịp cuối năm, bạn chắc chắn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cùa Mai Anh Đào nhuộm hồng cà phố núi.
Dọc tuyến đường trung tâm thành phố như Lê Đại Hành, đường ven hồ Xuân Hương và rải rác trên khắp các con đường của Đà Lạt, những cây Mai Anh Đào trĩu bông như thắp lên những ngọn đèn rực rỡ trong khí trời se lạnh.

Mai Anh Đào không chỉ là niệm tự hào của người Đà Lạt mà còn là những kỉ niệm khó quên của du khách đến du lịch Đà Lạt trong những ngày cuối năm, như những ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn trong những ngày từng đợt không khí lạnh giá tràn về thành phố sương mù.

Nét quyến rũ của Đà Lạt


Có rất nhiều cái tên người ta đã dùng để đặt cho Đà Lạt: Thành phố Ngàn hoa, Xứ sở tình yêu, thành phố buồn, thành phố mộng mơ, Xứ hoa đào… Thiên nhiên và con người thành phố này đi vào những áng văn thơ, những bức tranh ảnh, vào nghệ thuật, và trong tim mỗi du khách khi đi du lịch Đà Lạt.


1. Đà Lạt – Xứ lạnh của phương Nam

Còn gì tuyệt hơn khi có thể chạy trốn cái nắng nóng của Sài Gòn, đến với Đà Lạt yên bình. Những người con phương Nam chưa bao giờ biết đến mùa đông phương Bắc có thể cảm nhận chút ít tại Đà Lạt. Điều đặc biệt là tiết trời Đà Lạt chỉ se se chứ không quá lạnh… cực kỳ đáng giá là địa điểm nghỉ ngơi.


2. Nằm co ro trong chăn ấm mỗi buổi sáng

Khi đi du lịch Đà Lạt, vào sáng sớm những cơn gió lạnh ùa vào, liệu bạn có muốn rời khỏi “chiếc chăn gió ấm” không? Đó là lý do vì sao nhiều bạn đến Đà Lạt cực kỳ mê khoản… ngủ nướng, bên cạnh rất nhiều điều thú vị khác mà thành phố này mang lại.


3. Được mặc áo len và diện “mốt” mùa đông

Con gái Sài Gòn có lần nhìn thấy con gái Hà Nội xúng xính áo váy trong mùa đông, với bao tay, khăn choàng cổ, áo len, mũ len… chắc đôi khi cũng mường tượng ra mình trong hình ảnh đó. Chỉ cần đến Đà Lạt, bạn có thể sắm và diện những “mốt” dành cho mùa đông ấy. Tuy trang phục đó không phải dành cho những lúc lạnh nhất, nhưng vậy là quá tuyệt rồi!


4. Bánh mì nóng, vừa ăn vừa thổi, trong cái se lạnh khi đêm về

Lại nói về đặc sản “lạnh”. Dạo buổi tối ở Đà Lạt, đến quầy bánh mì nóng, mua một cái và thưởng thức, hít hà trong cái se lạnh của nơi đây, không ngạc nhiên khi có bạn thổ lộ rằng: Ăn bánh mì pa tê nóng không ở đâu ngon bằng Đà lạt.


5. Không khí trong lành

Với rừng thông bạt ngàn, rất nhiều hồ nước, sông suối, Đà Lạt sở hữu khí hậu tuyệt vời. Không khí ở đây trong lành, mát mẻ, khác hẳn sự ngột ngạt, đông đúc của những đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội. Đến Đà Lạt, bạn có thể trải nghiệm 1 ngày với 4 mùa: Buổi sáng sớm là thời tiết của mùa xuân, buổi trưa là mùa hạ, buổi chiều là mùa thu, và đêm là mùa đông….  Do đó du lịch Đà Lạt không cần mùa, cần tháng. Đà Lạt lúc nào cũng đẹp, cũng mát diụ, cũng nên thơ.


6. Dạo bước cùng “người ấy” bên hồ Xuân Hương

“Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ…”, đó là giai điệu thật hay trong một bài hát nổi tiếng về thành phố Đà Lạt. Xứ sở mộng mơ ấy là nơi hò hẹn lãng mạn của đôi lứa đang yêu. Nào hồ Xuân Hương, thung lũng Tình Yêu, đồi Mộng Mơ…, hãy đến Đà Lạt và cùng “người ấy” dạo bước ở những địa danh tuyệt vời ấy nhé.


7. Thành phố ngàn hoa

Thiên nhiên ưu đãi cho xứ sở Đà Lạt khí hậu ôn hòa, thiên đường của rất nhiều loài hoa. Trong đó hoa Dã Quỳ, hoa Mimosa hay hoa Đào là nổi tiếng nhất. Hiện nay, người Đà Lạt vẫn giữ được nhiều thói quen đẹp, ai ai cũng thích trồng hoa. Hoa có ở trước hiên nhà, ven đường, hay hoa mọc dại khắp nơi tạo cho Đà Lạt hình ảnh đẹp trong lòng du khách.


8. Thiên đường của rau quả tươi ngon

Bên cạnh du lịch, có thể nói trồng trọt chính là hướng đi thành công của thành phố Đà Lạt. Nhờ khí hậu 4 mùa, Đà Lạt có rất nhiều loại rau quả trong Nam ngoài Bắc. Đi chợ Đà Lạt buổi sớm, bạn có thể chọn thấy những gánh hàng tươi rói với bông cải xanh, bắp cải, a – ti – sô, dâu tây, đậu ván mới vừa hái,... Du khách có thể lên lịch chuyến vi vu Đà Lạt thêm một buổi tham quan vườn cây của nông dân. Cảm giác được tự tay thu hoạch những trái dâu tây đỏ mọng.


9. Những quán cà phê cực “chất”

Người dân Đà Lạt nổi tiếng hiền hòa nhưng những quán cà phê thì rất khác, cá tính và đôi khi khá… quái. Đó là cafe Song Vy chuyên mở nhạc trữ tình của Pháp; Cafe Liễu Ơ (tức là lỡ yêu )nằm sau Dinh II, ấn tượng bởi kiểu thiết kế sân vườn mang nét đặc trưng của Đà Lạt; cafe Mộc ở đường Bà Trưng, thiết kế toàn là gỗ, cuối tuần nào cũng có nhạc sống do ca sĩ hát rất hay; quán cà phê Tùng nằm ở ngay khu Hòa Bình chỉ phục vụ nhạc cổ điển dành cho người sành nhạc lại sành cà phê; quán cà phê Trăm Mái như một hang động với nhiều ngõ ngách, thiết kế kỳ dị, đầy tính ngẫu hứng; đến quán cà phê “độc” và lạ của Đà Lạt - cà phê Cung tơ chiều, lắng nghe giọng hát khàn khàn, đầy chất lửa và đặc biệt là ma quái của chị chủ quán…


10. Nơi để bạn sống chậm

Nhịp sống chậm rãi, hiền hòa của Đà Lạt sẽ giúp bạn sống chậm, suy nghĩ chậm, để thấy lòng mình bớt chai sạn hơn…. Biết đâu, nhờ thế chúng ta nhận ra chúng ta thật sự muốn gì, đã làm được gì và sẽ làm gì với công việc và cuộc sống.

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Hương vị chuối Laba

Tìm đến với mảnh đất Đà Lạt du khách sẽ có dịp thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất này trong đó có chuối Laba - một loại chuối có tỷ trọng xuất khẩu cao. Những ai khi du lịch Đà Lạt đều không quên mang về một vài nhánh chuối Laba để làm quà cho mọi người.

Sở dĩ có cái tên chuối Laba, bởi trước đây khi vào xâm chiếm vùng đất mà nay là xã Phú Sơn thuộc huyện Lâm Hà, người Pháp gọi mảnh đất này với cái tên Laba. Sau quá trình tìm hiểu, nhận thấy khí hậu thổ nhưỡng ở vùng đất này phù hợp với cây chuối, người Pháp tổ chức cho người dân Laba xưa trồng chuối và từ đó xuất hiện một loại chuối gắn liền với tên vùng đất – chuối Laba. Loại chuối Laba giờ được trồng rộng hơn ra cả những vùng lân cận của Phú Sơn như Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương… và vẫn giữ được vị dẻo, thơm rất riêng.Từ năm 2007, Tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành nghiên cứu phục tráng và phát triển chuối Laba và cho trồng trên diện rộng. Hiện nay, chuối Laba Lâm Đồng đã được công nhận là đặc sản của Đà Lạt.
Chuối Laba là thứ quả dân dã. Nó dân dã vì chính vị ngon ngọt chân thật giống như người dân quê hồn hậu. Nhưng có mấy ai biết rằng thứ quả mộc mạc, giản dị ấy từng được dâng vua một thủa? Từ thời Pháp thuộc, tiếng tăm của chuối Laba đã vang xa, theo những chuyến xe ngựa ra tận Huế dâng lên vua, là thức quà quen thuộc sau những bữa ăn nơi thành nội. Thời gian sống ở Đà Lạt, chính vua Bảo Đại –vị vua cuối cùng của triều đình Phong kiến Việt Nam, vì thích mùi thơm của chuối Laba mà đã từng yêu cầu dùng chuối Laba làm món tráng miệng sau các bữa cơm chiều.

Quả không mập, phốp pháp như chuối hột, không nhỏ nhắn như chuối tiêu, cũng không mỡ màng, căng tròn như chuối ngự, chuối Laba rất dễ nhận ra bởi hình dáng đặc trưng của mình. Quả thon dài, hơi cong, cuống buồng nhỏ, trái úp úp vào buồng như mảnh trăng lưỡi liềm lấp ló. Khi chín, quả có màu vàng óng mượt mà, một sắc vàng hươm rất dễ chịu và có phần quyến rũ nhất là dưới trời thu. Sắc vàng của lớp vỏ bên ngoài đã “ngon mắt” đến thế, càng ngỡ ngàng hơn khi ta bóc lớp vỏ ấy đi sẽ thấy cả một thiên đường ngọt lành, thơm thảo hiện ra. Thịt chuối Laba nuột nà, vàng sánh, cắn một miếng thấy dẻo dẻo, thơm thơm hương vị đầy chất tự nhiên thấm dần vào đầu môi, trôi nhẹ vào trong miệng rồi lan tỏa trong cơ thể.
Chuối Laba thuộc nhóm chuối Cavendish AAA, hiện có hai dòng chính: Dòng thân trắng và dòng thân tím, cây chuối cao từ 3-3,5 m, mỗi buồng có khoảng từ 10-12 nải, trọng lượng trung bình từ 40-50kg. Người dân vùng Phú Sơn vẫn quen gọi chuối Laba với cái tên nghe rất mộng mơ là chuối Dạ hương, và  lại chia nó ra làm hai loại nhỏ là Dạ hương cao và Dạ hương cùi.
Dạ hương cao khi chín có mùi thơm hơn, đặc trưng và đậm đà như mùi sầu riêng vậy. Nhà ai có buồng chuối Dạ hương cao đang chín, khách tới nhà sẽ phát hiện ra ngay và bên cạnh chén trà, ấm nước, chủ nhà luôn dọn sẵn một đĩa chuối thơm lừng. Chuối Laba cho thu hoạch quả quanh năm. Ngày nay, người ta ít nhân giống bằng cây con, những hộ gia đình trồng theo quy mô lớn sử dụng cây con bằng cách nuôi cấy mô, đảm bảo sạch bệnh, còn những hộ gia đình trồng ít để ăn thì có thể tách cây con từ cây mẹ, nhưng dù chọn giống bằng cách nào thì hương vị và sản lượng của chúng vẫn như nhau.
Đến với Lâm Đồng du khách có thể tìm mua chuối Laba dễ dàng ngay tại các chợ trong nội thành với giá từ 10.000đ-15.000đ/kg. Nếu chịu khó đi xa hơn về các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, để mục sở thị nhiều điều về loài cây này ngay tại những vườn chuối thì du khách sẽ được chủ vườn mời thỏa sức nếm thử và mua đem về với giá chỉ từ 5.000đ-7.000đ/kg.
Đứng giữa vườn chuối trĩu quả, đủ làm ta thấy xôn xao. Thoáng thấy mùi hương dịu dàng lan tỏa trong không gian là biết sắc vàng đang căng dần mỗi trái chuối. Khi bóc ăn một quả chuối sẽ nhận được đầy đủ vị thơm đậm đà hơn như sự quấn quýt của mùi nắng, mùi mưa, của giọt mồ hôi người nông dân và tinh túy của cả vùng đất Laba Lâm Đồng.

Vườn hoa Minh Tâm

Khuôn viên rộng, môi trường sinh thái trong lành với những bồn hoa hồng cổ thụ nhất Đà Lạt, nay vườn hoa Minh Tâm còn được quy hoạch nâng cấp trở thành nơi bảo tồn phát triển giới thiệu các loại hoa vốn có của Đà Lạt – Tây Nguyên với hơn 200 bồn hoa, tiểu cảnh luôn khoe sắc, các loài hoa quý hiếm trong nước và trên thế giới. Khu du lịch chính là một sự kết hợp hài hòa giữa bàn tay tài hoa của con người và cảnh quan thiên nhiên không làm mất đi sự thơ mộng vốn có của Đà Lạt.
 
Vườn hoa Minh Tâm tọa lạc tại 20A đường Khe Sanh , trong một khu vườn có diện tích khoảng 18 hecta đa số là rừng thong. Ban đầu , nơi đây là khu biệt thự của chủ nhân người Pháp tên David , được xây dựng từ năm 1938 .Sauk hi về Pháp , vị chủ nhân người Pháp đã bán lại khu biệt thự này cho ông Nghiệp Đoàn , bố của Minh Tâm .

Từ năm 1990 , khu biệt thự này được dung để khai thác du lịch . Vườn hoa Minh Tâm có nhiều loại hoa quý đẹp khoe sắc như Cẩm Tú Cầu , Cẩm Chướng , Mimosa lá bạc , hoa chống muỗi đa sắc ( pelargonium ) , Phù Dung , hoa xác pháo có màu đỏ rực , hoa hồng với nhiều màu sắc lai tạo … Đặc biệt , trong khu vực kinh doanh hoa của nhiều chủ nhân đang trưng bày nơi đây , có nhiều loài hoa quý tộc được giới thiệu để phục vụ du khách mang về trồng ở địa phương . Giữa khu vựờnhoa là khách sạn Minh Tâm được cải tạolại từ ngôi biệt thự cũ để phục vụ du khách.

Du khách yêu thiên nhiên đến du lịch Đà Lạt thường lưu trú nơi đây để được mãn nhãn ngắm các loài hoa quý trong vườn ,vừa có thể thả hồn mình hòa với rừng thôngxanh trải dài xa tít dưới thung lũng .

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Rượu cần Nam Tây Nguyên

Nhiều khách du lịch Đà Lạt hay Tây Nguyên cũng đã thưởng thức rượu cần Tây Nguyên, nhưng ít ai biết đến thứ “nguyên liệu chính hiệu” để làm nên nó: Men rừng! Thứ “men” mà từ lâu như sợi chỉ dệt nên những tấm ui (phụ nữ thường làm xà rông) - tự nó lưu truyền đời này qua đời khác, gắn chặt với đời sống cộng đồng bà con bản địa và làm nên một loại “Thức uống tâm linh” của bản làng - rượu cần.


Để làm được một choé rượu cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Các loại gạo, nếp, sắn…nói chung ngũ cốc có tinh bột đều làm được rượu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tạo ra mùi hương. Để tạo nên mùi hương đặc trưng cho rượu cần, nhiều người sử dụng gần 30 vị thuốc như sa nhân, đinh hương, quế, thảo khấu… tạo ra hương vị cay, đắng, ngọt, thơm… Nhưng, đó vẫn mới chỉ là loại rượu cần thương phẩm. Muốn có một ché rượu cần ngon đúng nghĩa, theo đồng bào dân tộc Cil ở thôn Măngline (Đà Lạt) thì cần phải có loại men rừng. Nhưng loại men này không mấy người làm được. Vào mùa xuân, khi cây atisô rừng bắt đầu ra hoa và cho nhựa…, những người làm rượu cần vào tận rừng sâu để tìm rễ và bông của loại cây này (đây là hương liệu chính của rượu cần) mang về phơi khô và giã thành bột để làm men (đồng bào K’Ho gọi là “dòng”). Anh Păng Til Mút cho biết: “Đây là loại men có tính độc mà đồng bào còn gọïi là “pơ ngai”. Loại men này có thể gây chết người ở liều lượng cao. Tuy nhiên, ở liều lượng nhỏ, nó chỉ làm cho tâm hồn ngất ngây mà thôi. Kế đến lấy bột men trộn đều với cơm gạo, nếp hoặc bắp..., sau đó giã thành bột và tạo thành những “vú men” cỡ như cái chén đem hong trên bếp lửa và sau một thời gian ngắn sẽ hoá thành men có màu trắng đục. Đây mới chính là loại men rừng dùng để làm rượu cần đúng nghĩa.

Điều đặc biệt, việc làm rượu cần còn phụ thuộc rất nhiều vào những chiếc choé. Choé càng cổ rượu càng ngon vì ruột những chiếc choé cổ không tráng men dễ dàng để cho men rượu bám và lên men. Theo đồng bào dân tộc bản địa ở đây, để cho “ra lò” một choé rượu cần ngất ngây men rừng như vậy ít nhất phải mất 6 tháng. Khi đó, trị giá của ché rượu cần trở thành “vô giá”… Đó cũng chính là niềm vinh hạnh của người được mời thưởng thức những ché rượu này, nhưng nghịch lý của loại rượu chính hiệu này lại không “sống” được bên cạnh những ché rượu cần thương phẩm.

Thức uống tâm linh

Không phải ngẫu nhiên mà rượu cần trở thành một thức uống tâm linh của đồng bào dân tộc ít người ở vùng Nam Tây Nguyên. Bởi rượu cần được làm từ men của rừng, uống ở rừng, “tắm” trong không gian văn hoá của lễ hội của rừng… Rượu chỉ dùng trong một không gian văn hoá tâm linh, văn hoá lễ hội xung quanh bếp lửa, nhà dài…với những nghi thức mời rượu huyền ảo trong tiếng cồng, chiêng mênh mang, vang vọng ở chốn đại ngàn.

Mặc dù chưa có một tài liệu nào chính thức nói về nguồn gốc ra đời của rượu cần, nhưng theo các già làng cho biết, thuở xưa xuất phát từ việc cúng bái thần linh, một số người dùng “men” được chế biến từ cây rừng trộn với cơm hèm, ủ vào trong những quả bầu khô để dâng cho thần linh. Sau lễ, mọi người đập bầu và chia nhau phần cơm để “mút” (từ của dân tộc bản địa Đà Lạt), và cụ Nhím (cách gọi trân trọng của đồng bào ở đây dành cho con vật thiêng: Nhím rừng) thấy được mới bày cho cách ủ rượu cần, và cách dùng cần để uống, cũng vì vậy mà người dân tộc có thói quen trước khi uống rượu cần đều mời thần linh và cụ Nhím uống trước. Hiện nay, một số bôn làng ở Di Linh, Đơn Dương vẫn còn giữ thói quen mỗi khi uống rượu cần thường buộc một sợi lông Nhím vào cần để ghi nhớ công lao của Cụ Nhím.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Nam Tây Nguyên này xem rượu cần là “thức uống tâm linh”, bởi nó vừa có thần thánh, lại vừa có con người hiện hữu bên ché rượu. Cái đẹp của rượu cần chính là ở nghi thức mời rượu, mỗi tộc người có một cách mời rượu khác nhau, từ đó góp phần tạo nên văn hoá cho rượu cần.
Cách thưởng thức rượu

Không ít người đã từng nếm thử rượu cần, nhưng để lĩnh hội hết cái hồn, cái men nồng ngất ngây của rượu cần thì quả là không dễ.  Đồng bào dân tộc ít người ở vùng Nam Tây Nguyên thường hay có cách đãi khách quý bằng rượu cần. Ché rượu cần được mang ra để ở giữa nhà sàn, chủ nhà cầm cần bằng hai tay hơi nâng lên như tế lễ để đưa cần cho người được tiếp đãi cắm cần vào ché. Nếu khách đông, mỗi người sẽ chuyền cần cho nhau bằng hai tay từ phải qua trái, nếu cầm một tay phải cầm tay phải vì đối với người đồng bào dân tộc thiểu số cầm tay trái là khinh họ. Người chủ nhà phải uống trước một ly để chứng tỏ rượu không có độc tiếp đến mới mời khách. Thường thì khi được mời, khách phải uống cạn ống nước đầu tiên, theo truyền thống, uống tình cảm là xoay vòng; uống thân thiện, tri kỷ thì cùng uống, còn uống hoà giải - phải có kèm theo con gà, hoặc vòng cườm để làm chứng, người chịu lỗi uống trước, gà sẽ được làm thịt và lấy giò để cho già làng xem người có lỗi thành thật hay không. Riêng trong lễ đâm trâu, thì mọi người thi nhau uống, mỗi làng sẽ đại diện một người, ai uống nhiều hơn thì làng đó thắng.

Đồi chè Bảo Lộc

Không lạnh như Đà lạt, không nóng như Sài Gòn, Bảo Lộc dường như quanh năm mát mẻ. Một màu xanh bao phủ với núi đồi chập chùng, nhưng ấn tượng nhất vẫn là những đồi trà xanh tạo nét gợi cảm.


Khách du lịch đi Đà Lạt đa số đều dừng chân ở Bảo Lộc - Một thị trấn êm đềm xinh đẹp nằm cách Đà Lạt 120 km. Và ai ai cũng mang về làm quà cho người thân đặc sản nổi tiếng của miền cao nguyên trù phú này - Trà Bảo Lộc. Đến Bảo Lộc, chỗ nào bạn cũng nhìn thấy trà: những vườn trà xanh bát ngát chạy tít tắp phía chân trời, trà bao bọc xung quanh nhà ở, trà phơi trong sân, cho đến trà trong những bao màu rực rở ở tiệm bán trà. Đến bất kỳ nhà ai ở Bảo Lộc, bạn cũng được người ta tiếp bằng thứ nước mang vị chát mát ngọt đó - nước trà.


Thời tiết ở đây mát mẻ quanh năm. Lúc nóng nhất, Bảo Lộc chưa tới 28 độ C; lúc lạnh nhất khoảng 17 độ C. Hơn nửa năm là những ngày mưa. Đó là những điều kiện tốt để trồng cây công nghiệp này và hình thành thương hiệu trà nổi tiếng trong nước và thế giới.


Khi phát hiện và khai phá cao nguyên Lâm Đồng, người Pháp đã mang giống trà sang trồng. Đến nay, cây trà này đã bén duyên với thành phố cao nguyên cũng hơn 80 năm. Từ những đồn điền trà bạt ngàn của người Pháp, đến nay những đồi trà thuộc về tay người dân. Trong đó, có nhiều người từng là công nhân của những đồn điền, sở trà trước kia. Để ngày nay, khi đi trên đường Trần Phú của thành phố này, khách không khỏi ngạc nhiên trước hàng chục thương hiệu trà nằm san sát. Khách mỗi lần qua đây đều phải ghé lại để thưởng thức ấm trà nóng, thơm lừng…


Trà ở đây chiếm khoảng 1/4 diện tích trà cả nước với nhiều chủng loại. Nơi đây, tập hợp nhiều người dân ở nhiều vùng khác nhau nên cách ướp trà, chế biến trà vừa mang hương vị của các vùng miền vừa mang nét đặc trưng bản địa. Tại đây, khách không bị choáng ngợp bởi không gian đô thị với những khối bê tông kiến trúc. Ngược lại, không gian thành phố rất hài hòa với thiên nhiên. 


Thưởng thức một ly trà thơm, có ai biết được bao vất vả khó nhọc của người dân Bảo Lộc?
Phá rừng, làm đất, dâm hạt và chăm chút cho cây trà lớn lên đã là một quá trình khó nhọc. Những đọt trà non hái mang về được luộc hoặc xào cho chín, sau đó đem vò cho xoăn lại, kế tiếp là xấy trên bếp than hồng đến khi nào trà khô và bốc mùi thơm mát là được. Trà chế biến đến đây gọi là trà mộc. Một số người thích uống trà này hơn vì nó còn mang đầy đủ hương vị của trà. Muốn thơm ngon hơn, người ta ướp thêm các vị thuốc khác như quế hương, cam.


Uống trà Bảo Lộc thật thú vị và những nương trà Bảo Lộc nhìn cũng thật mát mắt. Đến Bảo Lộc, từ quốc lộ 20 đi sâu vào trong, bạn sẽ thấy mênh mông bát ngát những trà là trà. Giữa những đồi trà, thỉnh thoảng bạn lại gặp những con suối chảy róc rách hoặc những thác nước tung bọt trắng xóa. Đó đây thấp thoáng những chiếc nón trắng của các cô gái Bảo Lộc xinh đẹp đang thoăn thoắt hái trà.


Trà Bảo Lộc được chuyển đi khắp các tỉnh, có những vùng nước lợ mà người ta không thể uống nước được nếu không có trà. Bất kỳ một quán giải khát, quán ăn nào cũng không thể thiếu nước trà. Đây là thứ nước giải khát lành mạnh cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, ai cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon, đậm đà của nước trà.


Đi dọc theo các con phố, con đường, khách dễ dàng nhìn thấy những cụm dã quỳ mọc tự nhiên khoe mình trong nắng mới. Mùa này, dã quỳ nở vàng rực. Xa xa là những đồi trà trông như những chậu bonsai khổng lồ được tỉa tót. Đến đây vào dịp hái trà, những ngọn đồi xanh trông như một bức tranh khổng lồ. Hàng chục người hái trà dàn hàng ngang, tay thoăn thoắt hái những lá trà… đi gần hết ngọn đồi. Du khách, nhất là những người ưa nhiếp ảnh, không thể bỏ qua những khoảnh khắc này để ghi lại những tấm hình đẹp.


Xung quanh thành phố này còn nhiều điểm tham quan hấp dẫn, đậm chất hoang dã của núi rừng. Cách thành phố khoảng 20 cây số là khu du lịch Đambri với ngọn thác cùng tên cao hơn 60m nằm trong rừng già. Tại đây, có nhiều dịch vụ du lịch văn hóa hấp dẫn du khách. Khi phố trà đông đúc, khách muốn trở về với thiên nhiên, xin mời đến đây. Ngoài ra, còn phải kể đến khu du lịch dã ngoại núi rừng Mađagui dưới chân đèo Bảo Lộc. Hoặc gần đó là Vườn quốc gia Nam Cát Tiên hoang dã.


Thông thường, khi đi du lịch Đà Lạt, Bảo Lộc chỉ là điểm dừng chân thoáng qua. Bao nhiêu người vẫn tiếc nuối vì không ở lại đây để buổi sáng trong sương mờ được bước đi trên những đồi trà và thưởng lãm nét văn hóa trà bản địa.

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Quán ốc "Nhé" Đà Lạt

Tọa lạc trên đường Lê Đại Hành thuộc khu vực trung tâm thành phố. “ Nhé” là tên quán ốc nổi tiếng nhất nhì Đà Lạt. Quán nằm ngay cạnh ngân hàng Viettinbank Lâm Đông. Có mặt tiền nhìn ra hồ Xuân Hương xinh đẹp.

“Nhé” từ lâu đã là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều người dân Đà Lạt mỗi khi muốn ăn ốc, hải sản và món nướng. Độc đáo không chỉ từ cái tên “ Nhé” mà còn từ những món ăn ngon lành được phục vụ ở đây.

Không gian sạch sẽ, rộng rãi, lịch sự nhưng vẫn mang đậm nét gần gũi, giản dị chính là đặc điểm của ốc Nhé. Quán có sức chứa gần 100 khách hàng, có sân để xe rộng rãi, phục vụ đa dạng các món ốc, hải sản, các món nướng.

“Nhé” được đánh giá là một trong số những quán ốc chất lượng hàng đầu ở Đà Lạt, không chỉ người dân thành phố mà còn rất nhiều khách du lịch Đà Lạt biết tới và muốn ghé thăm.

Menu thực đơn ở đây lên đến hơn 50 món ốc, món hải sản và món nướng các loại. Đều được chế biến từ những nguyên liệu tươi sống, đảm bảo vệ sinh, do đích thân đầu bếp kinh nghiệm lâu năm của quán thực hiện. 

Phong cách phục vụ ở đây thì không chê vào đâu được, nhân viên đều rất lịch sự, ân cần và dễ thương.

Quán có không gian đẹp, món ăn ngon và chất lượng phục vụ tốt, giá cả lại rất hợp lý. Chỉ giao động từ 50k-200k là du khách có thể cùng bạn bè, gia đình có được mỗi bữa ăn chất lượng. Với những ai yêu thích những món ốc và hải sản, ốc Nhé đảm bảo sẽ là sự lựa chọn đúng đắn trong những ngày đến với Đà Lạt.

Địa chỉ : 9A, Lê Đại Hành, Tp Đà Lạt
Sdt: 0633 522 566