Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Đồi chè Bảo Lộc

Không lạnh như Đà lạt, không nóng như Sài Gòn, Bảo Lộc dường như quanh năm mát mẻ. Một màu xanh bao phủ với núi đồi chập chùng, nhưng ấn tượng nhất vẫn là những đồi trà xanh tạo nét gợi cảm.


Khách du lịch đi Đà Lạt đa số đều dừng chân ở Bảo Lộc - Một thị trấn êm đềm xinh đẹp nằm cách Đà Lạt 120 km. Và ai ai cũng mang về làm quà cho người thân đặc sản nổi tiếng của miền cao nguyên trù phú này - Trà Bảo Lộc. Đến Bảo Lộc, chỗ nào bạn cũng nhìn thấy trà: những vườn trà xanh bát ngát chạy tít tắp phía chân trời, trà bao bọc xung quanh nhà ở, trà phơi trong sân, cho đến trà trong những bao màu rực rở ở tiệm bán trà. Đến bất kỳ nhà ai ở Bảo Lộc, bạn cũng được người ta tiếp bằng thứ nước mang vị chát mát ngọt đó - nước trà.


Thời tiết ở đây mát mẻ quanh năm. Lúc nóng nhất, Bảo Lộc chưa tới 28 độ C; lúc lạnh nhất khoảng 17 độ C. Hơn nửa năm là những ngày mưa. Đó là những điều kiện tốt để trồng cây công nghiệp này và hình thành thương hiệu trà nổi tiếng trong nước và thế giới.


Khi phát hiện và khai phá cao nguyên Lâm Đồng, người Pháp đã mang giống trà sang trồng. Đến nay, cây trà này đã bén duyên với thành phố cao nguyên cũng hơn 80 năm. Từ những đồn điền trà bạt ngàn của người Pháp, đến nay những đồi trà thuộc về tay người dân. Trong đó, có nhiều người từng là công nhân của những đồn điền, sở trà trước kia. Để ngày nay, khi đi trên đường Trần Phú của thành phố này, khách không khỏi ngạc nhiên trước hàng chục thương hiệu trà nằm san sát. Khách mỗi lần qua đây đều phải ghé lại để thưởng thức ấm trà nóng, thơm lừng…


Trà ở đây chiếm khoảng 1/4 diện tích trà cả nước với nhiều chủng loại. Nơi đây, tập hợp nhiều người dân ở nhiều vùng khác nhau nên cách ướp trà, chế biến trà vừa mang hương vị của các vùng miền vừa mang nét đặc trưng bản địa. Tại đây, khách không bị choáng ngợp bởi không gian đô thị với những khối bê tông kiến trúc. Ngược lại, không gian thành phố rất hài hòa với thiên nhiên. 


Thưởng thức một ly trà thơm, có ai biết được bao vất vả khó nhọc của người dân Bảo Lộc?
Phá rừng, làm đất, dâm hạt và chăm chút cho cây trà lớn lên đã là một quá trình khó nhọc. Những đọt trà non hái mang về được luộc hoặc xào cho chín, sau đó đem vò cho xoăn lại, kế tiếp là xấy trên bếp than hồng đến khi nào trà khô và bốc mùi thơm mát là được. Trà chế biến đến đây gọi là trà mộc. Một số người thích uống trà này hơn vì nó còn mang đầy đủ hương vị của trà. Muốn thơm ngon hơn, người ta ướp thêm các vị thuốc khác như quế hương, cam.


Uống trà Bảo Lộc thật thú vị và những nương trà Bảo Lộc nhìn cũng thật mát mắt. Đến Bảo Lộc, từ quốc lộ 20 đi sâu vào trong, bạn sẽ thấy mênh mông bát ngát những trà là trà. Giữa những đồi trà, thỉnh thoảng bạn lại gặp những con suối chảy róc rách hoặc những thác nước tung bọt trắng xóa. Đó đây thấp thoáng những chiếc nón trắng của các cô gái Bảo Lộc xinh đẹp đang thoăn thoắt hái trà.


Trà Bảo Lộc được chuyển đi khắp các tỉnh, có những vùng nước lợ mà người ta không thể uống nước được nếu không có trà. Bất kỳ một quán giải khát, quán ăn nào cũng không thể thiếu nước trà. Đây là thứ nước giải khát lành mạnh cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, ai cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon, đậm đà của nước trà.


Đi dọc theo các con phố, con đường, khách dễ dàng nhìn thấy những cụm dã quỳ mọc tự nhiên khoe mình trong nắng mới. Mùa này, dã quỳ nở vàng rực. Xa xa là những đồi trà trông như những chậu bonsai khổng lồ được tỉa tót. Đến đây vào dịp hái trà, những ngọn đồi xanh trông như một bức tranh khổng lồ. Hàng chục người hái trà dàn hàng ngang, tay thoăn thoắt hái những lá trà… đi gần hết ngọn đồi. Du khách, nhất là những người ưa nhiếp ảnh, không thể bỏ qua những khoảnh khắc này để ghi lại những tấm hình đẹp.


Xung quanh thành phố này còn nhiều điểm tham quan hấp dẫn, đậm chất hoang dã của núi rừng. Cách thành phố khoảng 20 cây số là khu du lịch Đambri với ngọn thác cùng tên cao hơn 60m nằm trong rừng già. Tại đây, có nhiều dịch vụ du lịch văn hóa hấp dẫn du khách. Khi phố trà đông đúc, khách muốn trở về với thiên nhiên, xin mời đến đây. Ngoài ra, còn phải kể đến khu du lịch dã ngoại núi rừng Mađagui dưới chân đèo Bảo Lộc. Hoặc gần đó là Vườn quốc gia Nam Cát Tiên hoang dã.


Thông thường, khi đi du lịch Đà Lạt, Bảo Lộc chỉ là điểm dừng chân thoáng qua. Bao nhiêu người vẫn tiếc nuối vì không ở lại đây để buổi sáng trong sương mờ được bước đi trên những đồi trà và thưởng lãm nét văn hóa trà bản địa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét