Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Thác Dambri

 Vị trí: Thác Đambri nằm cách trung tâm thị xã Bảo Lộc khoảng 18km.
Đặc điểm: Đây là ngọn thác lớn ở Lâm Đồng, nằm giữa khung cảnh rừng nguyên sinh hoang sơ và hùng vĩ.

Du lịch Đà Lạt - Từ thị xã Bảo Lộc - Lâm Đồng qua những đồi chè, cà phê, cây ăn trái xanh ngát, du khách sẽ đến với khu du lịch sinh thái Đambri để được thưởng thức cảnh đẹp hùng vĩ cùng khí hậu trong mát của rừng nguyên sinh nam Tây Nguyên. Thác Đambri có độ cao khoảng 60m. Mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về ầm ầm, đi xa vài kilômét còn nghe thấy tiếng. Xung quanh thác là một khu rừng hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ chưa mấy người khám phá với diện tích gần 300ha cùng đủ loài chim. Nhiều cây cổ  thụ quý hiếm như sao, kền kền, dổi... gốc to tầm vài ba vòng tay người ôm cũng có mặt ở đây. Đường vào trung tâm khu du lịch có một cầu ximăng dài hơn 20m bắc ngang suối, gần đỉnh thác. Đứng trên cầu, khách du lịch có thể thưởng thức cảnh tượng hùng vĩ của dòng nước cuồn cuộn đổ từ đỉnh thác xuống. Khách muốn xuống chân thác có thể đi bằng hai đường: thang máy hoặc đường bộ. Nhưng hầu hết du khách đều chọn đường bộ men theo sườn núi, đã được bêtông hoá nên đi lại thuận tiện để được thưởng ngoạn phong cảnh.Theo lối mòn ven suối đi về phía thượng lưu, muốn sang bờ bên kia khách sẽ được một lần thử độ khéo léo và lòng dũng cảm khi chênh vênh đi trên chiếc cầu dây theo kiểu của đồng bào dân tộc ở địa phương vẫn làm. Cầu được bện từ những thứ dây leo rất sẵn ở rừng như song, mây, giang, lồ ô... Vào buôn của người dân tộc Châu Mạ - một trong những làng văn hoá dân tộc ở Tây Nguyên, khách sẽ được thưởng thức những lễ hội cồng chiêng, khám phá tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống và cũng có thể tự mang lều trại để tổ chức sinh hoạt dã ngoại. Thật rất nhiều điều thú vị.

Để những chuyến tham quan của du khách thêm sinh động, Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đambri còn khoanh một khu vực nuôi các loài thú. Đảo khỉ tại đây có hàng trăm con, hươu nai được nuôi thả tự do khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng và thích thú khi bắt gặp. Cũng có cả những khu nuôi gấu, ba ba, rùa. Đặc biệt, có những chú voi đã được thuần dưỡng và ngoan ngoãn tuân theo sự chỉ dẫn của quản tượng. Du khách có thể ngồi trên lưng voi để chụp ảnh lưu niệm. Đi một vòng quanh khu du lịch rộng lớn, du khách có thể nghỉ chân bên hồ nước Đambri rộng hàng nghìn mét vuông, thuê một chiếc thuyền để hưởng thú câu cá trên hồ.

Thác Pongour Đà Lạt

Thác Pongour là một ngọn thác nổi tiếng đẹp mơ màng, hùng vĩ, hoang dã nhất của Nam Tây Nguyên. Do đó, nếu đến Đà Lạt khách không thể quên được thác Pongour.

Thác Pongour thuộc huyện Đức Trọng, cách huyện lỵ 20km và xa trung tâm thành phố Đà Lạt 50 km. Trên quốc lộ 20 Đà Lạt - Sài Gòn, đến xóm Trung (phía núi Chai) rẽ về phía tay phải đi một quãng đường đất dài độ 8 km du khách sẽ đến được thác Pongour mà người dân địa phương gọi là thác Bảy Tầng hay là thác Thiên Thai. Về tên gọi Pongour có hai giả thuyết như sau:

Thứ nhất, Pongour là do tên người Pháp phiên âm từ tiếng dân tộc bản địa (K'ho: Pon - gou (với nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng). Qua một số tài liệu địa chất học của người Pháp, vùng này có nhiều kaolin. Như vậy, Pongour có nghĩa là ông chủ hay ông vua xứ Kaolin.

Du lịch Đà Lạt - Giả thuyết thứ hai hiện nay khá phổ biến, được nhiều người nhắc đến: Pongour xuất phát từ ngôn ngữ K'ho có nghĩa là bốn sừng tê giác (Pon: bốn, gou: sừng). Giả thuyết này lấy từ môt truyện cổ trong kho tàng truyện cổ K'ho - Chàm, Churu. Nội dung truyện cổ ấy như sau:
Ngày xưa vùng đất Phú Hội - Tân Hội - Tân Hà ngày nay do nàng Ka Nai làm chủ. Ka Nai là một tù trưởng nữ xinh đẹp, trẻ, có sức mạnh hơn cả thanh niên dũng sĩ K'ho - Churu. Nàng lại có tài chinh phục thú rừng, đặc biệt là loại Tây u (tê giác) (Rơmis). Do đó, trong bộ lạc của nàng có đến bốn con tê giác khác thường. Ka Nai thường dùng bốn con tê giác ấy để khai phá núi rừng đồi suối và đánh giặc bảo vệ buôn làng. Thuở ấy, giặc Prenn (người Chàm) ở Panduranga (Ninh Thuận ngày nay) thường lên quấy phá, bắt bớ dân địa phương về vương quốc Chăm để làm phu, làm xâu (một hình thức nô lệ), hoăc đi lính chống lại người Yuan (Kinh).

Một lần, dân tộc của bộ tộc Ka Nai bị lính Prenn bắt đi khá nhiều. Căm giận trước cảnh ấy, Ka Nai đã kêu gọi các bộ tộc Tây Nguyên như Sré, Mạ, Nộp... nổi dậy chống người Prenn. Nàng đã tự mình cưỡi tê giác cùng với đoàn quân Tây Nguyên xuống đánh phá vương quốc Panduranga để báo thù. Ka Nai đã chiếm được bốn thành của người Prenn, cứu được hàng trăm dân K'ho bị người Prenn bắt làm nô lệ trước đây. Nhưng qua chiến thắng này, Ka Nai thấm thía nỗi nhân tình thế thái: một số người K'ho Mạ đã theo giặc Prenn, chịu làm xâu, tớ cho người Prenn chứ không chịu về Tây Nguyên - quê hương cũ, mặc dù nhiều người K'ho Mạ ấy đã có gia đình tại quê nhà.

Đau buồn và tức giận trước nghịch cảnh ấy, Ka Nai quyết trừng trị những ai bội nghĩa quên tình. Và, sau đó nàng phải xây dựng lại cuộc sống cho buôn của nàng. Ka Nai cùng bốn con tê giác ngày đêm ủi núi san đồi để tạo dựng một "vương quốc thủy chung" cho người K'ho của nàng. Pongour là dấu vết bốn con tê giác cắm xuống núi rừng Tây Nguyên để mở ra một kỷ nguyên văn hóa cho các dân tộc tại đây.

Thác Pongour có lịch sử từ nhiều người, nhiều giai đoạn và ngày nay có ngày kỷ niệm. Đó là dịp trăng tròn đầu tiên của mùa ấm áp, núi rừng khởi sắc để làm ngày "kỷ niệm" cho bộ tộc của nàng. Trong những năm 60 của thế kỷ này, nhiều người Hoa ở Tùng Nghĩa (Đức Trọng) nhân tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) thường tổ chức các cuộc viếng chùa miếu, lăng tẩm, các thắng cảnh, các di tích lịch sử kết hợp với phong tục của dân bản địa (K'ho, Churu) và người các dân tộc di cư 1954 (Thái, Thổ, Tày, Nùng...) cùng đặt ra lễ thác Pongour (thường gọi là thác Thiên Thai). Vào rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm từng đoàn người từ các thị trấn Liên Nghĩa, Cao Bắc Lạng, Lục Nam... của Đức Trọng và các vùng Brơtel, Phú Mỹ, Lạc Sơn, Bằng Tiên, Ngọc Sơn, Đinh Văn... của Lâm Hà nườm nượp trẩy hội thác Pongour.

Trong dịp này, nam thanh nữ tú Bắc Nam, Kinh-Thượng, Hoa-Việt, Thái-Tày... đều rộn rã du xuân, hồ hởi vượt qua bảy tầng thác Pongour, mong vào được chốn Thiên Thai. Đây là dịp mà người ta không còn phân biệt Kinh-Thượng. Họ tự trao đổi tâm tình, tìm hiểu và yêu mến nhau. Tục truyền rằng: những ai không thành thật, không chung thủy, những kẻ bất tín, bội thề đã đến thác Pongour, thì ít khi được trở về; nàng Ka Nai nổi giận, do đó sai Yàng Pongour giữ lại những ai thuộc diện người nói trên tại dòng thác Pongour để nàng dạy cho họ những bài học về con người ... Có người không dám đến Pongour là vì thế. Nhưng đến Đà Lạt mà không đến thăm Pongour thì cũng như chưa đến Đà Lạt, chưa thấy được vẻ mơ màng hoang dã của Nam Tây Nguyên. Và những ai trong sáng thì có ngại gì. Những năm gần đây du khách đến trẩy hội Pongour ngày càng nhiều và thật vui mừng là hàng ngàn du khách lên Đà Lạt đến thăm Pongour đều bình an trở về. Phải chăng Yàng Pongour đã thẩm định đích xác lòng người?

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Nhà thờ Cam Ly

Vị trí: Nhà thờ Cam Ly nằm trên một quả đồi rất gần thác Cam Ly, thuộc thành phố Đà Lạt.

Đặc điểm: Nhà thờ Cam Ly có một kiến trúc độc đáo theo lối nhà rông của đồng bào Tây Nguyên.
 
Trong số gần 100 công trình kiến trúc công giáo xuất hiện ở Ðà Lạt từ thập niên 1920 đến thập niên 1960, nhà thờ Cam Ly được xây dựng riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vì thế nó mang một sắc thái độc đáo khác hẳn với các giáo đường dành cho người Kinh. Những người tạo tác nên ngôi nhà thờ đã thể hiện sự "hội nhập văn hóa" qua nghệ thuật kiến trúc khi cho gương mặt chúa trời hòa nhập với gương mặt của Yàng (trời) mà những người dân nơi đây đã nghìn năm sùng bái.

Khai sinh ra ý tưởng về ngôi nhà chung của Chúa và Yàng là linh mục người pháp Boutary và người thể hiện thành công ý tưởng này là nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ. Công trình được khởi công vào cuối năm 1959 và hoàn thành tám năm sau đó. Nhìn ngang, hai mái giáo đường giống như lưỡi rìu, dốc đứng 17m, được lợp bằng 80.000 viên ngói với tổng trọng lượng tương đương 90 tấn. Ðể chịu đựng được sức nặng của ngôi nhà với cột, kèo, giằng bằng bê-tông, sắt và gỗ, móng của công trình đã được gia cố hết sức kỹ lưỡng. Riêng phần móng nhà thầu đã phải cật lực làm trong vòng nửa năm.Trước cổng chính nhà thờ là hai hình tượng hổ và phượng hoàng - những loài vật quen thuộc trong hiện thực và trong ý thức của đồng bào thiểu số. Hổ tượng trưng cho sức mạnh và phượng hoàng thể hiện cho sự tinh khôn. Mặt khác, các nhà tạo tác cũng ngầm ví von các cư dân Thượng có bản tính vốn như chúa sơn lâm nhưng đã trở nên tốt lành, thanh dịu như chim phượng nhờ các tín điều tôn giáo. Cùng tư duy đó, nội thất thánh đường còn xuất hiện nhiều hình ảnh các loài vật khác thể hiện bản tính của chúng như: sự trong sáng của nai, sự gần gũi của chim và cá... Ðặc biệt dưới chân thánh giá, bên cạnh cung thánh bằng gỗ thông có treo ba đầu trâu theo thứ tự cao thấp. Trâu là linh vật mà người thiểu số ở Tây Nguyên thường dùng làm vật phẩm để "giao tiếp" với Yàng của họ, trong trường hợp này là kính dâng Thiên Chúa như một thông điệp biểu lộ lòng sùng kính.

Sau ba khung cửa lớn là nội thất giáo đường với diện tích gần 400m², một không gian vừa u huyền, thâm nghiêm vừa khoáng đạt, phóng túng. Cảm giác đó có được là do hiệu quả các giải pháp kiến trúc. Nối với những bức tường lửng có độ cao khoảng 3m được xây bằng đá chẻ là hệ thống cửa kính mầu xanh-nâu-vàng trong các khung gỗ. Các khung cửa liền nhau và giáp mái này cùng với 20 vì kèo tương ứng đều được cách điệu từ hoa văn Tây Nguyên mà chủ đạo là hình vuông và hình tam giác - tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời trong môtip bản địa về quan niệm vũ trụ. Ðối xứng phải trái là 16 bức tranh đá trong đó có 14 bức diễn tả các chặng thương khó của Chúa Jesus và ngày ngài thọ nạn, phục sinh...Ở đây, cùng với nghệ thuật sắp đặt và giải pháp kiến trúc, các nhà tạo tác đã kết hợp hài hòa và thành công giữa tư duy mộc mạc, tự nhiên của đồng bào các dân tộc thiểu số với triết lý tôn giáo nhân bản và sâu sắc.

Khu du lịch sinh thái Đa Mê


*Vị trí: Đa Mê nằm giữa buôn làng N’ Thol Hạ của người bản địa K’Ho, cách ngã ba Liên Khương – Đức Trọng – Lâm Đồng khoảng 8km.

*Đặc điểm: Đa Mê bao gồm 2 ngọn thác Đa Mê 1 và Đa Mê 2 cao ngất, ầm ào tuôn chảy ngày đêm giữa núi rừng hùng vĩ.

Đa Mê là một hệ thống các kênh rạch, ngoằn ngoèo chạy ẩn mình dưới những tán rừng xanh ngắt…Tất cả “quần thể” độc đáo này được thiên nhiên kiến tạo từ muôn đời nay nhưng phải đến giữa đầu năm 2001 mới được khám phá và đánh thức bởi doanh nghiệp Thanh Long. Chủ doanh nghiệp dịch vụ sinh thái này là ông Phạm Văn Thược – một kỹ sư nông nghiệp (đúng hơn là một nông dân) gốc người Hà Nội. Ông đến khai phá và định cư ở vùng đất mới Nam Ban – Lâm Hà – Lâm Ðồng từ năm 1976. Đặt viên gạch khởi công đầu tiên, ông Thược phải bỏ ra 40 triệu đồng đền bù một số hộ sản xuất nông nghiệp để san ủi, mở rộng một con đường với chiều dài hơn 200m, rộng 6m từ quốc lộ 27 chạy đến thác. Kế tiếp, ông xây dựng khu nhà nghỉ, cửa hàng nằm giữa công viên với hàng trăm dáng bonsai, hàng ngàn “kỳ hoa dị thảo”. Rừng, suối, thác, động vật hoang dã, hồ bơi, nhà rông… được bố trí trong một không gian hài hoà, rộng hơn 30ha. Ở đây, chiếc cổng chào cũng thật đặc biệt: cao 8m, mô phỏng theo kiến trúc “Vạn lý trường thành”. Bên cạnh hồ bơi tại khuôn viên là phòng trưng bày các mẫu vật Tây Nguyên. Những hang động, hòn non bộ cũng được xây dựng khá cầu kỳ, trong đó thích nhất là tượng mãnh hổ và đại bàng đang sà cánh hướng vào nhau, biểu tượng của cảnh “Anh hùng tương ngộ” đậm chất sử thi Tây Nguyên…

Lên du lịch Ðà Lạt – Lâm Ðồng du khách không chỉ được nghỉ lại đêm giữa rừng, lắng đọng với nhịp điệu cồng chiêng cao nguyên mà còn được len lỏi trên dòng kênh rạch với những chiếc thuyền độc mộc; được câu cá, thưởng thức những sản vật sông hồ giữa rừng thông lộng gió, ngắm hàng dừa xanh xoã bóng bâng khuâng xuống mặt hồ. Ông Thược chọn hai thung lũng gần kề vốn sình lầy, um tùm cỏ dại để nạo vét, xây dựng kè đá, dẫn nước từ thác vào bằng kênh đào dài hơn 200m. Hồ bơi rộng 400m², hồ du thuyền và câu cá rộng gần 5.000m² tha hồ cho khách du lịch đắm mình giữa không gian trời-mây-rừng-suối -nước cao nguyên.

Ðây là một khu du lịch sinh thái có quy mô lớn hàng đầu ở Lâm Ðồng với tổng số tiền cho những hạng mục đầu tư hoàn thành là 3,5 tỷ đồng. Hiện nay, khu du lịch sinh thái Đa Mê đã chính thức “trình làng” đón khách. Người dân bản địa, người dân địa phương được tự do ra vào, không phải thu vé vào cổng. Từ đây, trên bản đồ du lịch Ðà Lạt – Lâm Ðồng, du khách sẽ có thêm tour mới: du lịch sinh thái Thanh Long.

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Văn hoá Đà Lạt


Tuy là một thành phố trẻ nhưng bề dày văn hoá ở đây cũng rất được chú ý về sự phong phú, đa dạng, vừa mang tính truyền thống và hiện đại.

Văn hoá của dân tộc Cơ Ho bản địa, văn hoá của các cộng đồng dân cư ở châu thổ sông Hồng, vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Nam - Ngãi - Bình - Phú, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và sự giao lưu văn hoá thế giới đã tạo nên những nét đặc trưng trong phong cách người Đà Lạt: hiền hòa, thanh lịch và mến khách.
Đà Lạt là một đề tài luôn mới mẻ, hấp dẫn, phong phú mà các giới nghiên cứu khoa học tự nhiên, xã hội, văn học - nghệ thuật luôn đeo đuổi tìm hiểu và sáng tác.

Quá trình hình thành và phát triển Đà Lạt cũng là quá trình hình thành truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đà Lạt. 

Với hoàn cảnh khốn khó và điều kiện khắc nghiệt, muốn tồn tại, đoàn người làm phu "tứ cố vô thân" từ bốn phương qui tụ về đây phải thương yêu đùm bọc nhau, gắn bó sống chết không rời để tạo nên sức mạnh đoàn kết đấu tranh. Chẳng những đấu tranh với thiên nhiên mà phải đấu tranh với quân thù một cách quyết liệt, chống lại sự áp bức bóc lột để giành quyền sống vốn có của con người .

Khám phá loài hoa Mimosa Đà Lạt

Mimosa không đẹp rực rỡ như các loài hoa khác, nói mang vẻ kiêu sa bởi sắc vàng quyến rũ. Nó chỉ là loài hoa dại mọc hoang dã giữa cao nguyên lộng gió. Mimosa tựa như cây xương rồng, cũng khắc khổ, cũng phải chịu kiếp hoa dại. Ấy thế mà, nó đã vượt lên muôn vạn màu hoa khác trở thành biểu tượng của cả vùng đất, biểu tượng của tình yêu, nỗi nhớ, cho nét đẹp trinh nguyên thuần khiết của người thiếu nữ. Mimosa, loài hoa“Trinh nữ” vàng của cao nguyên Đà Lạt.

Nhiều người vẫn thường gọi Đà Lạt bằng một cái tên mỹ miều "thành phố ngàn hoa". Suốt bốn mùa xuân - hạ - thu - đông ngàn vạn bông hoa thay nhau khoe sắc. Hơi thở tình yêu, hơi thở cuộc sống của Đà Lạt luôn mang hương sắc của hoa. Hoa cũng là tâm hồn kiêu sa của một Đà Lạt đầy mơ mộng. 

Giữa bạt ngàn của muôn sắc hoa, mimosa (Acacia podalyriaefolia, họ Mimosaceae) loài hoa tượng trưng cho tình yêu thầm kín và vẻ đẹp khiêm nhường vẫn quyến rũ đến nao lòng dù chỉ là loài cây hoang dã, mọc ở rừng hoặc ven đường nên hoa phải chịu kiếp hoa dại, không bao giờ được trồng trong vườn nhà.

Bởi hoa có hình cầu giống hoa trinh nữ (Mimosa pudica L) nên người ta vẫn gọi mimosa với cái tên mộc mạc là "trinh nữ vàng". Không biết loài hoa nay du nhập về Đà Lạt tự bao giờ, chỉ biết loài hoa này có xuất sứ từ Australia.

Truyền thuyết Mimosa kể rằng: Thuở xa xưa, trên vùng đất Australia tươi đẹp, đầy nắng ấm nằm giữa biển khơi, có một đôi tình nhân yêu nhau say đắm. Chàng trai có thân hình vạm vỡ và một trí thông minh tuyệt vời là con của một ngư dân. Cô gái là tiểu thư quyền quý được cưng chiều hết mực của một gia đình quý tộc đẹp rực rỡ, đài các, yêu màu vàng và được Chúa ban cho một tấm lòng nhân hậu. Họ say đắm ben nhau trong những nụ hôn ngọt ngào và cả cuộc đời trên cảng biển Sydney thơ mộng. 

Thế rồi sóng gió ập đến, gia đình cô gái ép nàng phải cưới Công tước Hoàng gia. Nàng đành chấp nhận lên xe hoa dù bao lần phản đối kịch liệt nhưng vô vọng. Chàng trai đau đớn, buốn bã trước cảnh người mình yêu lấy chồng, từ giã biển khơi bỏ nghề chài lưới, lên một vùng núi cao hiểm trở làm nghề giữ rừng để quên đi mối tình sâu đậm nhưng tuyệt vọng.

Lúc lên đến nơi thì xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng, bất chấp hiểm nguy, chàng quên mình cứu rừng xanh và những con thú rừng vô tội. Ngọn lửa quái ác đã thiêu sống và cướp đi sinh mạng của chàng. 

Cô gái nơi quê nhà hay tin người mình yêu bỏ biển lên ngàn để tìm quên sầu muộn của mối tình đầu dang dở, thì cũng bỏ trốn ngay đêm tân hôn tìm người thương. Nhưng trế trêu thay, lúc tới nơi nàng chỉ thấy xác chàng ên đống tro than của cánh rừng bị cháy. Trong đau đớn tuột cùng trước cảnh sinh li tử biệt, cô gái đã gục chết bên người mình yêu.

Nơi đôi tình nhân đã chết vì tình yêu dang dở của mình mọc lên một loài cây thân mộc, lá màu xanh biếc, lấp lánh hoa vàng thơm mát. Cùng từ đó trên vùng núi cao của đất nước Australia thơ mộng xuất hiện một loài hoa dại mang tên Acacia Podalyriaefolia Cunn Mimosaceae hay còn gọi là Mimosa. Loài hoa với hương thơm nhẹ nhàng quyến rũ, mang sắc vàng quý phái, kiêu sa mà chẳng loài hoa dại nào có được.

Mimosa trên Đà Lạt mọc nhiều nhất ở Thung lũng Tình yêu và đặc biệt nhiều ở đèo Mimosa, con đèo trên đường Quốc lộ 20 cũ dẫn vào thành phố. Những khúc cua uốn lượn như cánh võng của con đèo mở ra góc nhìn bao la của vùng cao nguyên thơ mộng. Con đèo mang tên một loài hoa quý phái và loài hoa kiêu sa ấy vẫn đêm ngày ôm ấp con đèo như mối lương duyên bất tử mà "ông tơ bà nguyệt" đã sen nên. Đèo nhỏ vắng, nên thơ như được tạo ra dành cho những chuyện tình yêu mà chẳng hề vướng chân lữ khách.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta đặt cho nó cái tên "Trinh nữ". "Trinh nữ" đẹp tự nhiên, nhẹ nhàng mà kiêu hãnh giữa đất trời bao la. Dù là loài lá kim hay lá tròn thì hoa cũng chỉ nở vàng khi tiết trời ấm áp. Hoa sẽ tàn phai mỗi khi trời lạnh giá, lá cũng sẽ bạc màu tựa như phủ phấn trắng lên trên. Không nở vàng hoang dại như dã quỳ, hay kiêu sa như hoa cúc. "Trinh nữ" dịu dàng nhưng ngây ngất chứ chẳng nồng nàn như hương hoa hồng. Dù là mùa xuân hay mùa hạ, dù lá bạc hay xanh biếc mỗi khi có ai đớ lỡ tay chạm vào cũng đều cụp lại, e ấp ngượng ngùng như nàng thiếu nữ tuổi hẵng còn xanh.

Nếu có dịp đi du lịch Đà Lạt, bạn hãy một lần thưởng thức vẻ đẹp loài hoa "Trinh nữ" vàng kiêu sa này nhé!