Ai đã có dịp đến du lịch Đà Lạt
và dừng chân ở đó lâu lâu hẳn không thể không chú ý tới một loài hoa:
giống như hoa hồng nhưng bông của nó nhỏ hơn nhiều, cây leo. Hoa tìm ai
mà leo bò khắp ngả? Đi đâu, về đâu cũng gặp, bất kể là trong ngõ phố hay
chốn thôn trang. Hoa thường khép nép bên cánh cổng, hoặc rụt rè mon men
bò lên các bờ rào. Hoa tạo nên như một mẫu hình hoa văn độc đáo cài
quanh mỗi mảnh vuờn tôn thêm nét đặc trưng riêng biệt của Đà Lạt. Loại
hoa đó gọi là hoa Tầm xuân.
Nhìn
hoa, lòng ta bồi hồi nhớ lại một thời thơ bé, bao lần hồi hộp nghe bà
kể lại sự tích về hoa Tầm Xuân. Bao giờ bà cũng bắt đầu câu chuyện bằng lời giải
thích tên hoa: “Tầm có nghĩa là tìm, Xuân là tên một em bé gái”. Và đây
là câu chuyện về hoa: “Ngày xửa ngày xưa, có hai em nhỏ mồ côi cả cha
lẫn mẹ. Đứa lớn là trai và đứa bé là gái. Tuy còn nhỏ, hai em đã biết
yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Ngày ngày cậu anh trai khi thì đi xin về
nuôi em, khi thì vào rừng hái nấm, kiếm củi đem ra chợ bán hoặc đem đổi
lấy gạo để nuôi em. Còn cô em là một cô bé tuyệt vời, rất hoạt bát, vui
vẻ và tốt bụng. Em nghe được tiếng chim và biết cùng chim trò chuyện. Từ
sớm tinh mơ, chim muông lũ lượt bay đến nhà và cùng em trò chuyện, ca
hát. Tiếng em trong như tiếng chuông, ấm như nắng ban mai. Mỗi lần em
cất tiếng hát là cả bầy chim vỗ cánh điểm nhịp và chốc chốc hòa cùng
khúc hát du dương tạo nên một bản hòa âm độc đáo.
Tiếng
hát của em làm say mê cả con quỷ độc ác trong một khu rừng gần đó. Vốn
độc ác và ích kỷ, quỷ muốn chiếm cho riêng mình giọng hát ấy. Nó bèn
đóng giả một bà già lương thiện rồi đi ra khỏi rừng và cứ lần theo hướng
có tiếng hát nó tìm đến được nhà em bé. Nó cho em bé trái cây, cho lũ
chim thóc và hạt vừng. Nó còn khôn khéo bày trò vui chơi cùng lũ chim và
cô gái. Vốn rất tốt bụng và ngây thơ, em bé không mảy may cảnh giác,
thừa cơ con quỷ chộp lấy cô bé và tóm hết lũ chim mang tận vào rừng sâu.
Nó nhốt em bé với lũ chim trong một chiếc lồng lớn, rồi ra lệnh:
-
Này ! Con nhỏ kia hãy hát đi, hát cho tao nghe! Nói rồi nó hí hửng nằm
khểnh ra sàn nhà, chân bắt chữ ngũ tay lần nhổ mấy chiếc râu lưa thưa
trên chiếc cằm đang nghênh nghênh trông rất gớm ghiếc. Nó tưởng rằng nó
đã làm chủ đựơc tiếng hát nên ra chiều đắc thắng lắm. Nhưng đợi mãi mà
chẳng nghe thấy gì nó lại giục:
- Hát đi chứ, mày không nghe tao bảo gì hay sao?
Nhưng vẫn im lặng. Em bé và lũ chim đang chết khiếp vì sợ hãi. Lần này thì con quỷ giận lắm, liền quát lớn:
-
Tao bảo mày hát cơ mà, câm rồi hả. Nhưng đáp lại bó chỉ có cái nhìn câm
lặng, khiếp đảm. Tức lắm, con quỷ gầm lên những tiếng kêu man rợ, rồi
vùng dậy vừa gào thét, vừa đấm đá. Chiếc lồng lăn long lóc làm cho thịt
da em trầy trụa, xây xát. Em vẫn không hát mà chỉ nhìn con quỷ khiếp sợ,
căm ghét. Con quỷ tìm mọi cách hết đấm đá, dọa dẫm lại dỗ dành ngon
ngọt, nhưng chẳng thể làm được gì. Nó liền trừng phạt em bé và lũ chim
bằng cách đem chiếc lồng treo lên một cành cây cao rồi bỏ đi, lòng đầy
hậm hực.
Ở
trên cành cây cao, cô bé tìm cách cứu bầy chim. Em cố chịu đau, luồn
mấy ngón tay nhỏ xíu vào kẽ giữa những chiếc nan lồng. Răng nghiến chặt,
em cố kéo chiếc nan bị uốn cong mở ra một lối nhỏ. Em giúp bầy chim
thoát khỏi lồng bay ra. Nhưng hai bàn tay em bị những chiếc nan lồng
siết chặt đã bị dập nát, máu me đầm đìa. Máu thấm đỏ cả mấy chiếc nan.
Và rồi một điều kỳ lạ đã xảy ra. Những chiếc nan dính máu như cựa mình
và cứ thế dài mãi ra, buông mình xuống tận đất, thân mọc đầy những chiếc
gai nhọn.
Không
quên cô bé tốt bụng, bầy chim chia làm hai tốp. Một tốp ở lại với cô bé
và chia nhau đi tìm trái cây đem về nuôi cô. Tốp kia bay đi tìm người
anh. Lại nói về người anh, khi trở về nhà không thấy em gái đâu, cả đàn
chim cũng mất hút. Nhìn thấy cảnh nhà tan hoang, biết có sự chẳng lành,
chú bé đổ đi tìm em, miệng gọi Xuân ơi, Xuân ơi không ngớt. Đáp lại lời
em chỉ có sự trống lạnh, hoang vắng đến ngột ngạt. Em càng cuống quýt,
sợ hãi càng chạy, càng gọi. Em đi mãi, gọi mãi vượt qua mấy cánh đồng,
lội qua mấy con suối. Một ngày kia, em tới khu rừng âm u. Em lại gọi
thảm thiết. Nhưng giọng em phát ra chỉ còn nghe khàn khàn đặc quánh”.